Những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Ở Mỹ không chỉ có tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, Hẻm Núi Lớn (Grand Canyon) ở Arizona,… mà Cầu Cổng Vàng ở San Francisco cũng là một trong những kỳ quan thế giới hiện đại. Mỗi năm hàng triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về chiêm ngưỡng Cầu Cổng Vàng nhưng không phải ai cũng hiểu biết rất rõ về nó. Hãy cùng ANB Việt Nam tìm hiểu những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng cũng như những điều kỳ diệu quanh cây cầu vĩ đại này.
Cầu Cổng Vàng (the Golden Gate Bridge) nằm ở thành phố
Cầu Cổng Vàng San Francisco Mỹ
Golden Gate Bridge ở đâu? Cầu Cổng Vàng San Francisco hay gọi đơn giản là cầu San Francisco là cây cầu treo nối liền eo biển Golden Gate (Cổng Vàng), cửa ngõ vào vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 5/1/1933 và được hoàn thành vào tháng 4/1937. Lễ khánh thành Cầu Cổng Vàng bắt đầu ngày 27/5/1937 và được kéo dài suốt một tuần.
Cầu Cổng Vàng ở Mỹ còn có tên tiếng anh là cầu Golden Gate Bridge. Cầu Golden Gate Bridge có chiều cao 75 mét so với mặt nước, hai tháp chính cao 227 mét (cao 152 mét so với mặt đường), chiều dài 2.737 mét (nhịp chính dài 1.280 mét), cầu được làm từ thép với trọng lượng 80.470 tấn. Vào thời điểm đó Cầu Cổng Vàng đã lập kỷ lục là cây cầu treo dài nhất thế giới, kỷ lục đó được giữ suốt 27 năm cho đến khi bị cây cầu Verrazano-Narrows ở New York vượt qua vào năm 1964, hiện nay đã có 8 cây cầu khác có chiều dài vượt qua Cầu Cổng Vàng nước Mỹ.
Ngân sách ban đầu cho dự án xây dựng Cầu Cổng Vàng là hơn 35 triệu USD, nhưng đến tháng 4/1937 khi dự án hoàn thành thì chi phí lại thấp hơn ngân sách cho phép là 1,3 triệu USD.
Có lẽ do nằm ở thành phố San Francisco nên nơi đây còn được gọi là cầu San Francisco
Cầu Cổng Vàng của Mỹ có chiều cao 75 mét so với mặt nước
Những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng
Ngày nay, Cầu Cổng Vàng đã là biểu tượng không thể thiếu của San Francisco – Mỹ thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng mà không phải ai cũng biết.
- Khởi điểm xây dựng Cầu Cổng Vàng gặp nhiều khó khăn
Cuối thế kỷ 19, San Francisco là một trong những thành phố có tốc độ phát triển rất nhanh của Mỹ. Nhưng khi đó việc đi lại giữa San Francisco và Hạt Marin ngày nay vẫn phải sử dụng phương tiện đi lại chủ yếu là phà, mỗi chuyến phà mất khoảng 20 phút với chi phí là 100 USD cho mỗi phương tiện. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của những chiếc ô tô với giá thành vừa phải thì việc qua lại giữa San Francisco và Hạt Marin bằng phà đã không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của địa phương. Có người nghĩ đến một chiếc cầu để nối liền San Francisco với Hạt Marin nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Các chuyên gia xây dựng cầu thời đó cho rằng không thể xây dựng một cây cầu qua eo biển Golden Gate bởi nơi đây có mực nước rất sâu, sóng mạnh và xoáy, thường xuyên có gió mạnh (gió biển giật đến 100 km/h), sương mù dày, đặc biệt là khu vực ảnh hưởng của động đất (một trận động đất ở San Francisco vào năm 1906 làm 3.000 người chết chỉ cách vị trí dự định xây cầu 13 km) chính vì vậy việc xây dựng cầu vô cùng khó khăn, kèm theo là khoản chi phí dự tính rất lớn khoảng 100 triệu USD (tại thời điểm bấy giờ).
Không chỉ có điều kiện tự nhiên gây ảnh hưởng đến việc xây cầu mà Hải Quân Mỹ cũng lo ngại việc xây cầu sẽ làm cản trở hoạt động giao thông trong căn cứ quân đội. Các công ty phà (tiêu biểu là Đường Sắt Nam Thái Bình Dương) cũng phản đối quyết liệt bởi họ cho rằng sự một cây cầu như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Khởi điểm xây dựng Cầu Cổng Vàng gặp nhiều khó khăn
Năm 1919 các quan chức thành phố San Francisco chính thức yêu cầu Michael M. O’Shaughnessy (kỹ sư xây dựng của thành phố thời điểm đó) đánh giá khả năng xây cầu bắc qua eo biển Golden Gate. Michael M. O’Shaughnessy đã tham khảo ý kiến của rất nhiều kỹ sư nổi tiếng của Mỹ nhưng đều nhận được đánh giá là không khả thi cho đến khi gặp Joseph Baermann Strauss. Theo Strauss việc xây cầu là khả thi và chi phí ước tính ban đầu chỉ vào khoảng 30 triệu USD (thấp hơn rất nhiều so với 100 triệu USD mà người khác dự tính).
Để được chấp thuận xây dựng, Strauss đã thay đổi thiết kế ban đầu thành thiết kế cầu treo theo yêu cầu của Hải Quân Mỹ cũng như phù hợp với kỹ thuật luyện kim thời đó. Năm 1921 Strauss gửi bản thiết kế về Cầu Cổng Vàng cho O’Shaughnessy và Edward Rainey thư ký của Thị trưởng San Francisco. O’Shaughnessy đã phải mất 1 năm rưỡi cho bản thiết kế đó. Trong thời gian này Strauss đã đi vận động cộng đồng trên toàn miền Bắc California rằng dự án này không chỉ khả thi mà việc thanh toán sẽ được chi trả bằng việc thu phí qua cầu.
O’Shaughnessy công bố bản thiết kế của Strauss vào cuối năm 1922 nhưng đã gặp phải sự phản đối từ công chúng và báo chí. Không chùn bước trước khó khăn, Strauss vẫn nỗ lực cho việc kêu gọi sự ủng hộ của mọi người, đồng thời quảng bá cho việc xây dựng cầu. Tới năm 1929, tốc độ phát triển quá nhanh của Francisco cũng kéo theo lưu lượng xe qua lại ngày càng nhiều dẫn đến việc quá tải giao thông, vì vậy một dự án xây cầu chính thức được khởi động.
Lúc này một khó mới lại phát sinh, việc sụp đổ của chứng khoán Mỹ năm 1929 khiến cho việc huy động vốn gần như là không thể, để giải quyết khó khăn này chính quyền thành phố đã cho phát hành trái phiếu với trị giá ban đầu khoảng 30 triệu USD. Nhưng lại không có tổ chức nào có hứng thú đứng ra mua trái phiếu cho đến năm 1930 nhà sáng lập Ngân hàng Hoa Kỳ Amadeo Giannini lúc này có trụ sở ở San Francisco đã đứng ra thay mặt ngân hàng đồng ý mua toàn bộ số trái phiếu của địa phương. Và đến ngày ngày 5/1/1933 một công trình mang tính lịch sử của San Francisco chính thức được khởi công. Vượt qua vô vàn khó khăn, Cầu Cổng Vàng San Francisco nối liền eo biển Golden Gate được hoàn thành vào tháng 4/1937.
- Quá trình xây dựng Cầu Cổng Vàng nguy hiểm
Quá trình xây dựng Cầu Cổng Vàng San Francisco cũng đầy gian nan và nguy hiểm. Cột trụ phía nam được xây dựng dưới đáy biển sâu 33 mét. Giàn giáo xây dựng cột trụ này từng bị đổ hai lần, một lần do tàu vận tải đi trong sương mù đâm vào, một lần do bị bão làm sập. Không chỉ có thế, thủy triều qua eo biển chảy rất xiết nên những công việc dưới nước chỉ có thể tiến hành khi thủy triều xuống thấp (1 ngày 4 lần, mỗi lần 20 phút).
Để xây dựng móng cầu có thể chịu được động đất dưới đáy biển, Joseph Strauss đã cho chế tạo một buồng thép khổng lồ có áp suất cao hơn của áp suất của nước ở độ sâu 33 mét khiến cho những công nhân làm việc gặp rất nhiều nguy hiểm, thường bị khó thở, chảy máu mũi, bị ngất thậm chí là bị liệt. Những vị trí khác cũng gặp phải nguy hiểm, mặc dù Joseph Strauss đã cho lắp đặt lưới an toàn di động phía dưới công trường, giúp tránh đi không ít tai nạn.
Quá trình xây dựng Cầu Cổng Vàng nguy hiểm
- Người thợ cầu vĩ đại Joseph Baermann Strauss
Joseph Baermann Strauss xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, ngay từ nhỏ ông đã có niềm đam mê với những cây cầu. Thời còn là sinh viên, một tai nạn đá bóng đã khiến Strauss phải nằm viện nhiều tuần, và từ giường bệnh ông được ngắm nhìn cây cầu Cincinnati Covington mỗi ngày.
Luận văn tốt nghiệp của Strauss là thiết kế một cây cầu đường sắt dài 85 km vượt qua eo biển Bering, nối liền châu Mỹ và châu Á.
Mặc dù đã được chính quyền San Francisco chấp thuận kế hoạch xây cầu nhưng lại gặp phải sự phản đối từ người dân địa phương và dư luận. Trong hơn một thập kỷ vận động, thuyết phục mọi người ủng hộ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Strauss. Ngay sau khi cầu được khởi công xây dựng năm 1933, kỹ sư trưởng Joseph Baermann Strauss đã vắng mặt suốt 6 tháng, nhiều nguồn tin cho biết ông đã phải đi điều trị suy nhược thần kinh.
Sau hơn 4 năm xây cầu gian nan, Joseph Strauss không còn đủ sức để ăn mừng. Ngày khánh thành, trong bài diễn văn của mình ông chỉ nói ngắn gọn: “Cây cầu này không cần lời khen ngợi. Tự thân nó nói lên tất cả”.
Một năm sau ngày khánh thành Cầu Cổng Vàng, Joseph Baermann Strauss qua đời trong một cơn đột quỵ. Để tôn vinh “Người thợ cầu vĩ đại” này, thành phố San Francisco đã dựng tượng ông ngay trước Cầu Cổng Vàng.
Tượng Joseph Baermann Strauss dựng tại Cầu Cổng Vàng
- Cầu Cổng Vàng tự sát
Vì sao lại là cầu Cổng Vàng tự sát? Mặc dù là một trong những công trình giao thông vĩ đại nhất của nước Mỹ, một kỳ quan thế giới hiện đại nhưng Cầu Cổng Vàng lại được mệnh danh là “bãi tự sát” với số lượng người đến đây tự tử ngày một tăng. Từ thời điểm cầu được khánh thành đã thống kê được khoảng 1.700 người tìm đến đây tự tử (số liệu năm 2018). Đặc biệt là vụ tự tử đầu tiên được xác nhận ở Cầu Cổng Vàng chỉ diễn ra sau khi cầu được khánh thành 1 ngày.
Theo tính toán, mặt cầu cách mặt nước 75 mét nên nếu có người chọn tự tử tại đây thì vận tốc khi nạn nhân chạm mặt nước có thể đạt tới 121 km/h. Chính vì vậy khả năng tử vong tại cầu cổng vàng cực cao, có thể lên đến 98%.
Có rất nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề nhiều người tìm đến đây tự tử như tăng cường lực lượng tuần tra trên cầu, lắp đặt lưới an ninh (lưới thép) phía dưới,… và yêu cầu báo chí không đề cập đến những vụ tự sát ở Cầu Cổng Vàng để tránh những người có ý định tự sát tìm đến đây.
Cầu Cổng Vàng được mệnh danh là “bãi tự sát”
- Cầu Cổng Vàng trở thành bối cảnh trong các bộ phim bom tấn
Có thiết kế độc đáo, hoành tráng nên Cầu Cổng Vàng được nhiều nhà sản xuất điện ảnh chú ý, chọn làm bối cảnh trong nhiều bộ phim bom tấn. Trong phim 007 A View To Kill với cảnh James Bond chiến đấu với Max Zorin trên tòa tháp cầu. Trong Superman là hình ảnh Siêu Nhân bay quanh Cầu Cổng Vàng để cứu một chiếc xe bus chở đầy học sinh. Trong X – Men: The Last Stand, quái nhân Magneto đã nhổ tung cả cây cầu lên để làm đường dẫn tới hòn đảo nhỏ giữa vịnh. Trong It Came From Beneath The Sea một con bạch tuộc khổng lồ cũng cố tìm cách phá hoại cây cầu với những xúc tu khủng bố của nó,…
Bên cạnh đó còn rất nhiều bộ phim truyền hình khác cũng lấy bối cảnh ở cây cầu này như: Star Trek, Grand Theft Auto: San Andreas và Sudden Attack,…
Cầu Cổng Vàng trong phim X – Men: The Last Stand
- Những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng khác
Ngoài những điều thú vị được kể ở trên thì vẫn còn những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng khác.
+ Có tên là Cầu Cổng Vàng nhưng thực tế cây cầu này lại có màu cam đỏ hay còn gọi là “quốc tế cam”. Kiến trúc sư Irving Morning cho biết chọn màu này vì nó phù hợp với cảnh quan vịnh San Francisco và nổi bật giữ lớp sương mù nơi đây.
+ Theo công bố, có 11 người bị thiệt mạng và 19 người thoát chết trong quá trình xây cầu. Những người thoát chết đã trở thành thành viên của Halfway To Hell (tổ chức dành cho những người từng “chết hụt”).
+ Kể từ ngày khánh thành, Cầu Cổng Vàng đã bị đóng cửa 3 lần do điều kiện thời tiết vào ngày 1/12/1951 với gió mạnh 111 km/h, ngày 23/12/1982 với gió mạnh 113 km/h, ngày 3/12/1983 với gió mạnh 121 km/h.
+ Cầu Cổng Vàng có lượng người tìm đến để tự tử nhiều thứ 2 thế giới, đứng sau cây cầu bắc qua sông Dương Tử ở Nam Kinh, Trung Quốc.
+ Để bảo trì Cầu Cổng Vàng, San Francisco cần phải duy trì 1 đơn vị cảnh sát, 1 chiếc xe cứu hỏa và 4 xe kéo để bảo dưỡng, sơn màu, thay mới thiết bị,… mỗi ngày.
+ Hình ảnh cách điệu của Cầu Cổng Vàng là logo của hãng Cisco (một nhà sản xuất thiết bị mạng internet hàng đầu trên thế giới).
+ Chỉ có một số địa điểm ở San Francisco mới có thể chụp được ảnh toàn cảnh Cầu Cổng Vàng như: Alcatraz, Công viên Nước, Tháp Coit, Twin Peaks và mũi đất Marin Headlands.
Kinh nghiệm tham quan Cầu Cổng Vàng Mỹ
Cầu Cổng Vàng San Francisco Mỹ là một kiệt tác kỹ thuật đã minh chứng cho tài năng và trí tuệ của con người. Với thiết kế duyên dáng, sắc cam nổi bật, nền biển trời trong xanh,… cây cầu luôn nằm trong top những cây cầu đẹp nhất thế giới, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Nếu muốn ngắm Cầu Cổng Vàng thì sáng sớm sẽ là một thời điểm thích hợp nhất. Bạn có thể xuyên qua công viên Presidio nằm dọc bờ biển, men theo các vách đá du khách sẽ được ngắm nhìn cây cầu từ nhiều góc độ khác nhau. Còn gì tuyệt vời bằng việc ngắm nhìn cây cầu vĩ đại này bị sương mù bao phủ đầy mơ hồ và huyền bí. Hừng đông, cây cầu sẽ lộ ra từng khúc khi mặt trời nhô lên, rực rỡ trong ánh nắng chan hòa trên nền nước biển xanh biếc.
Vào những ngày nắng đẹp, khi ráng chiều đỏ rực buông xuống chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp rực rỡ mà cũng không kém phần lãng mạn của Cầu Cổng Vàng. Không phải màu xám xịt của sắt thép, Cầu Cổng Vàng khoác trên mình tấm áo màu cam đỏ tạo sự tách biệt với gam màu lạnh của mặt nước, nền trời, lúc ẩn lúc hiện trong mà sương mù đặc trưng của San Francisco.
Từ Cầu Cổng Vàng du khách có thể đi tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố San Francisco như: Khu phố Tàu, tòa cao ốc Transamerica Pyramid,… và cả công viên Cổng Vàng.
Ngắm Cầu Cổng Vàng vào sáng sớm
- Đến Cầu Cổng Vàng bằng cách nào?
Lưu lượng giao thông qua Cầu Cổng Vàng ở Mỹ mỗi ngày là rất lớn, nên để đến cầu bạn có rất nhiều cách khác nhau.
+ Xe đạp: Tại khu vực Fisherman’s Wharf du khách có thể thuê xe đạp để tự mình đi đến Cầu Cổng Vàng, có kèm bản đồ hướng dẫn đến cây cầu.
+ Xe bus du lịch: Cũng tại Fisherman’s Wharf bạn có thể mua vé trực tiếp (hoặc đặc trước trên mạng) để lên những chiếc xe bus du lịch hai tầng để đi lên cầu.
+ Phương tiện công cộng: Với tuyến xe bus San Francisco MUNI số 28 du khách có thể đến và đi từ Cầu Cổng Vàng. Nếu du khách có nhu cầu đến phía bên kia cây cầu thì có thể sử dụng hệ thống vận tải công cộng Golden Gate Transit (các tuyến số 10, 20, 80 và 101).
+ Ô tô: Do Cầu Cổng Vàng thuộc xa lộ 101 nên du khách hoàn toàn có thể lái xe qua cầu. Có bãi đậu xe ở hai bên cầu (đậu xe miễn phí ở bờ bắc, thu phí ở bờ nam). Nếu là lần đầu đến San Francisco bạn nên chú ý đến điểm thu phí khi muốn quay lại thành phố từ phía bên kia cầu.
Các phương tiện di chuyển trên Cầu Cổng Vàng
- Những địa điểm chụp ảnh tuyệt đẹp khi đến Cầu Cổng Vàng
Được đánh giá là cây cầu được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới, vì vậy mỗi du khách khi đến với Cầu Cổng Vàng đều muốn có cho mình những bức ảnh kỷ niệm thật đẹp ở cây cầu tuyệt vời này. Hãy dành chút thời gian để chọn cho mình những địa điểm chụp ảnh đẹp nhất nhé.
+ Vista Point: Đây là địa điểm nằm ở phía cuối cây cầu, ở góc chụp này bạn có thể lưu lại quang cảnh đông đúc, tấp nập trên cầu khi dòng xe từ cầu hướng đến quận Marin và đổ đi các hướng.
+ Kirby Cove: Bạn sẽ mất khoảng 20 phút để đi bộ đến Kirby Cove (lối vào nằm cạnh bãi đậu xe cho Battery Spencer). Tại đây bạn sẽ có những bức ảnh tuyệt đẹp bên bãi biển, và tất nhiên là không thể thiếu những chiếc xích đu nữa.
+ Fort Point: Tại Fort Point sẽ có một con đường nhỏ dẫn đến vị trí quan sát để du khách có thể ngắm cây cầu từ phía trên. Và tất nhiên đây cũng là một góc chụp rất đẹp.
+ Crissy Field: Với bãi cỏ rộng lớn cùng bãi biển cát trắng phía trước, tại Crissy Field bạn không chỉ có những bức ảnh toàn cảnh của cây cầu mà đây cũng là một địa điểm tuyệt vời cho một buổi dã ngoại ngoài trời đấy.
+ Baker: Đến với bãi biển Baker bạn sẽ có được những bức ảnh tuyệt đẹp về Cầu Cổng Vàng và những con thuyền buồm trong gió. Đây cũng là địa điểm hoàn hảo cho một bộ ảnh cưới.
+ Trên cầu: Khi đi lên cầu bạn có thể ngắm nhìn và chụp ảnh từ bất kỳ vị trí nào trên cầu. Nếu bạn chọn qua cầu bằng ô tô hay xe bus vào thời điểm nhiều sương mù thì bạn sẽ chỉ nhìn thấy một phần của cây cầu ở gần mình, những phần còn lại sẽ ẩn hiện sau lớp sương mù.
+ Marin Headlands: Có thể bạn đã bắt gặp những tấm bưu thiếp tuyệt đẹp về Cầu Cổng Vàng nhưng không phải ai cũng biết địa điểm chụp những tấm ảnh đó chính là Marin Headlands. Nếu đến đây vào lúc hoàng hôn bạn sẽ được những tấm ảnh với background là ánh đèn từ thành phố đầy ấn tượng.
Cầu Cổng Vàng địa điểm chụp hình lý tưởng
- Một số hoạt động thú vị khi đến Cầu Cổng Vàng
Đi bộ qua Cầu Cổng Vàng sẽ là một trải nghiệm đầy thú vị, bạn sẽ được ngắm nhìn Vịnh San Francisco ở một bên và bên kia là biển Thái Bình Dương, chỉ có đi bộ qua nó bạn mới cảm nhận được hết sự đồ sộ của cây cầu.
Vì đây là một trong những cây cầu được nhiều người tìm đến để tự tử hàng đầu trên thế giới nên tại đây bạn có thể tìm thấy các số điện thoại khẩn cấp (hay còn được gọi là số điện thoại tự tử) mà người ta đã dán ở đây như muốn nhắn nhủ với những người có ý định tự tử rằng họ vẫn còn nhiều lựa chọn khác thay vì việc kết thúc cuộc sống của mình.
Bạn cũng nên đến thăm Lone Sailor Memorial – bức tượng hải quân bằng đồng (có nhiều phiên bản được đặt tại nhiều nơi trên nước Mỹ) để tưởng nhớ chàng thủy thủ cô đơn được đặt ở cuối phía nam cây cầu.
Bức tượng hải quân bằng đồng ở phía nam Cầu Cổng Vàng
Trên đây là những điều chưa biết về Cầu Cổng Vàng mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một trong những cây cầu nổi tiếng nhất thế giới. Nếu bạn có dịp đến với thành phố sương mù San Francisco thì đừng quên đến với cây tuyệt vời này nhé.
Nếu bạn cần tìm hiểu thêm thông tin nào về nước Mỹ hoặc bạn đang có ý định đi xuất khẩu lao động Mỹ cần hỗ trợ thủ tục phỏng vấn xin visa đi Mỹ có thể liên hệ với ANB Việt Nam. Với hơn nhiều năm trong lĩnh vực cung cấp các loại giấy tờ quốc tế, dịch vụ quốc tế, dịch vụ làm visa uy tín tại Hà Nội của chúng tôi sẽ tháo gỡ mọi khó khăn của bạn một cách nhanh nhất.